"Cảm ơn người lớn" giúp những tâm hồn “già” trở về ngày thơ ấu
Đọc cuốn sách Cảm ơn người lớn, tác giả đưa cái nhìn của một người lớn vào câu chuyện, bài học triết lý của người lớn nhưng không quên kể những câu chuyện thời 8 tuổi. Cuốn sách này đọc có phần nhẹ nhàng và sâu sắc hơn, nhiều vấn đề to tát, khái quát hơn. Không chỉ cái tuổi thơ được phân tích mà con cả sự trưởng thành!
Cảm ơn người lớn là phần mở rộng về “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Ở đó, bạn đọc được gặp lại cu Mùi, Tủn, Tí sún, Hải cò cùng chơi những trò chơi quen thuộc, và được đắm mình vào những ước mơ điên rồ, ngốc nghếch nhưng trong veo của tuổi mới lớn hồn nhiên và đầy ắp dự định.
Và cả khi họ đã trưởng thành, bạo chúa thời gian đã vùng vẫy thế nào trong cuộc đời của những nhân vật mà bạn yêu quý…
Ai trong chúng ta cũng từng là trẻ con, cũng từng rong chơi, quậy phá nhưng cũng không kém phần tình cảm. Qua lời kể của cu Mùi, những nét vẽ về tuổi thơ hiện lên từng chút một. Phải chăng khi là người lớn bạn đã quên hết những ngây ngô thời tám tuổi. Người lớn phải nghĩ nhiều, lo nhiều, nhưng phải chăng do ta nhiều khi đã làm phức tạp mọi chuyện lên.
So với trẻ con, người lớn luôn cảm thấy thiếu thốn và luôn cảm thấy đau khổ. “Ôi, đời tôi sao khổ thế này!” - đó là câu người lớn hay than.
Ngược lại, trẻ con không bao giờ than như thế, vì trẻ con cả đời chỉ cần đủ tiền mua bánh kẹo, cà rem, xi-rô, ổi xoài (tất nhiên cuộc đời trẻ con chỉ kéo dài đến chừng nào trở thành người lớn). Đang đói bụng mà có tiền mua một ổ bánh mì là cuộc sống lập tức biến thành màu hồng dù trước đó nó được vẽ bằng gam màu nhem nhuốc gì đi nữa.
Tóm lại, trẻ con chẳng có mơ ước gì cao xa. Nhờ vậy bọn trẻ không có nhiều khổ não, thất vọng hay bất đắc chí như người lớn. Lúc nhỏ chỉ mong có vài ba đồng bạc lẻ để thoả thích đam mê bánh trái. Khi lớn lên, cũng gọi là có chút tiền thì mong ước đó lại không còn là tiêu điểm nữa.
Đọc sách mà như thấy mình đâu đó trong cu Mùi, Tủn, Tí sún, Hải cò với đủ trò con nít ngày ấy như chạy giỡn, vẽ màu, trèo cây, làm “vợ chồng”, làm “vua”, tìm kho báu,.. Thế giới tưởng tượng của con nít vô cùng phong phú, nhiều màu sắc nhưng không phức tạp và bền vững như người lớn.
Thoắt cái là đã gật đầu và phân chia xong vai trò trong gia đình, cũng “cha” nói “con” nghe răm rắp nhưng một ngày đẹp trời thấy gia đình chẳng có gì mới nên quyết định chia tay, tan vỡ, ai về nhà đó trong vui vẻ và lại loay hoay cho một thế giới mới. Rồi lại cho mình làm vua, tự quyết định quan thần triều đình và ra chiếu chỉ, oai nghiêm lắm nhưng cả buổi mà vương triều có đến 4 ông/bà vua thay phiên nhau, mỗi người 1 kiểu, từ những quyết định vô cùng to lớn như xây dựng đền đài cung điện thật nguy nga đến quyết định nhỏ xíu như “gãi lưng cho vua” đều được đưa ra trong chớp nhoáng.
Có thể khẳng định, đây một áng văn lãng mạn trong giọng hài hước đặc biệt “dành cho trẻ em, và những ai từng là trẻ em”.
Nếu "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" là que kẹo bông, là cây kem hàng dạo bình dân quê mùa mát lạnh ngày hè thì "Cảm ơn người lớn" như những viên kẹo ô mai, có ngọt có chua mà bất kì trẻ con sắp làm người lớn nào cũng sẽ nếm trải.
Cuốn sách phần 2 này đúng là đã kế thừa, tiếp nối mạch truyện và cảm xúc của “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, nhưng trong một khung sườn cứng cáp, chắc chắn hơn bởi nguyên vật liệu đc lấy từ những chiêm nghiệm sâu sắc, thấm thía của một người lớn đã từng làm trẻ con.